Tin dự án, Văn hóa Vinadic

Trò chuyện đầu năm: Anh kỹ sư xây dựng Vinadic có 15 năm tuổi nghề

Ước mơ đầu đời của tôi là muốn trở thành một nhà khoa học, bằng đại học xây dựng của tôi chỉ là văn bằng 2 sau khi tôi đã tốt nghiệp trường khoa học tự nhiên. Vậy mà thấm thoắt đã 15 năm tôi gắn bó với xây dựng, đi gần hết các công trường trong nam ngoài bắc và giờ thì ở lại Vinadic, nơi cho tôi những điều tuyệt vời nhất”- T.C.P.

Nhân dịp đầu năm mới 201`9, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Trần Cao Phong – Chỉ huy trưởng Công trình VietinBank Tower. Là người đã gắn bó 15 năm với nghề xây dựng, ít ai biết được anh Trần Cao Phong từng có ước mơ trở thành một nhà khoa học. Để hiểu về cơ duyên của anh đến với nghề xây dựng và hiểu về những người làm trong ngành xây dựng, mời các bạn lắng nghe cuộc trò chuyện với anh Trần Cao Phong dưới đây:

Lý do nào khiến anh có thể gắn bó với nghề xây dựng 15 năm? Với dân xây dựng, Tết có ý nghĩa như thế nào?

Người ta thường đặt câu hỏi: Nghề chọn người hay người chọn nghề? Còn bản thân tôi là nghề xây dựng đã chọn mình. Đến giờ thì tôi nghĩ chắc là do có duyên với nghề nên mới có thể gắn bó với nó được lâu như vậy, một cái nghề mà người ta hay nói là chưa giáo mồ hôi đã hết tiền.

Với những người làm xây dựng như chúng tôi thì cái tết luôn rất được mong chờ và háo hức như những đứa trẻ mong tết vậy, tại sao ư? Đơn giản vì nghề của chúng tôi dường như không có ngày nghỉ và không có khái niệm về thời gian, vì lúc nào cũng tiến độ và tiến độ triền miên, lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian trên khắp các công trường. Vì vậy Tết là thời gian quý giá nhất trong năm để chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình.

Những ngày cận Tết, trong khi người người đi sắm Tết, tôi thấy dân xây dựng các anh vẫn miệt mài ngoài công trường, giống như “Tết chưa hề qua đây” vậy?

Đúng vậy, Tết là khoảng thời gian quý giá nhất trong năm để dân xây dựng được nghỉ ngơi, nhưng cũng không bao giờ được thảnh thơi nghỉ trước một vài ngày như các ngành nghề khác để có dịp đưa vợ con đi sắm tết. Đã nhiều năm nay vợ tôi luôn ước mơ được 1 lần được chồng đưa đi sắm Tết mà ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng chưa bao giờ thực hiện được. Nói thật lòng là nếu không có sự yêu nghề thì không thể gắn bó được lâu như vậy.

Những ngày cận tết, chạy tiến độ, rồi sức ép từ chủ đầu tư, chưa kể một số anh còn “bị” vợ “giận dỗi”, anh có rơi vào hoàn cảnh đó không ạ? Nếu có làm thế nào để anh cân bằng?

Hoàn cảnh này thì có đến cả 99% dân xây dựng như tôi đều gặp phải trong cuộc sống, không cứ gì ngày Tết mới gặp phải mà ngay cả những ngày bình thường, những lúc con ốm đau không về được – giận, những ngày lễ, ngày kỷ niệm của 2 vợ chồng không về được – giận, mải mê công việc quên không gọi điện hỏi thăm gia đình cũng giận, rồi tiền lương về chậm cũng giận (cười)…

Tuy nhiên ai cũng vậy, mình phải biết thích nghi với hoàn cảnh thì mới cân bằng lại được cuộc sống, những lúc như vậy mặc dù rất mệt mỏi nhưng cũng phải cố nói lời động viên để vợ yên lòng và thông cảm cho cái nghề “chỗ ăn chỗ ở cho dê nó nằm” này.

Nghề xây dựng đã chọn anh hay anh đã chọn nghề xây dựng?

Như đã trả lời ở phần trên, chắc là do tôi có duyên với nghề này nên cái nghiệp này nó cứ “bám” lấy mình vậy. Ước mơ đầu đời của tôi là muốn trở thành 1 nhà khoa học, bằng đại học xây dựng của tôi chỉ là văn bằng 2 sau khi tôi đã tốt nghiệp trường khoa học tự nhiên.

Cảm ơn Anh, chúc Anh có được một cái Tết được trọn vẹn bên Gia đình!

MC